
Doanh nghiệp cần làm gì để "hồi phục" sau mùa dịch Covid?
Virus Corona chủng mới đang tạo ra những thách thức không hề nhỏ đối với các doanh nghiệp Việt Nam nói riêng và các doanh nghiệp trên toàn thế giới nói chung. Trong thời gian thực hiện chỉ thị cách ly xã hội, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã phải đối mặt với tình hình cắt giảm nhân sự, đóng cửa, thậm chí còn có trường hợp phá sản. Sau ngày 23/4, hầu hết các địa bàn đều được giãn cách ly, các cơ sở kinh doanh bước đầu vực dậy sau “cơn bão” nặng nề mang tên Corona. Làm thế nào để phục hồi hoạt động kinh doanh và kinh tế của doanh nghiệp sau dịch là mối quan tâm hàng đầu của rất nhiều chủ doanh nghiệp. Trong bài viết này, 94now sẽ gợi ý một số cách hỗ trợ doanh nghiệp hoạt động lại sau mùa dịch thành công.
Ảnh hưởng của dịch Covid đến các doanh nghiệp hiện nay
Trong một tháng dịch Corona hoành hành, chúng ta có thể dễ dàng thấy rõ tác động của nó đối với nền kinh tế, đôi khi còn là những ảnh hưởng vẫn chưa thể đo đếm hết được. Chúng ta có thể điểm qua một số ngành chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ đại dịch này:
Du lịch, xuất khẩu nông sản ảnh hưởng nặng nề
Nông sản của Việt Nam chủ yếu xuất khẩu sang Trung Quốc là nhiều, do ảnh hưởng của đại dịch nên cửa khẩu bị đóng hoặc việc thông quan vô cùng khó khăn khiến hàng loạt các chiến dịch giải cứu nông sản được kêu gọi trên cả nước.
Du lịch, lữ hành và hàng không là ngành tiếp theo bị ảnh hưởng nặng nề bởi Covid. Các địa điểm du lịch đều phải đóng cửa hoặc tạm ngừng đón khách, các hãng hàng không cũng hủy toàn bộ hoặc lùi ngày bay cho khách hàng sang thời gian khi hết dịch. Kể từ 26/2, các hãng hàng không Việt Nam đã dừng tất cả các chuyến bay đến Trung Quốc trong khi khách du lịch tại đây chiếm 26,1% khối lượng vận chuyển quốc tế. Theo báo cáo của Bộ Giao thông Vận tải, dịch bệnh đã gây thiệt hại hơn 1.26 tỷ USD trong thời gian này.
Doanh thu của các ngành dịch vụ, bán lẻ giảm sút
Do ảnh hưởng của dịch Covid, người tiêu dùng tránh mua sắm ở những nơi công cộng hoặc đông người khiến tổng doanh số bán lẻ từ dịch vụ tiêu dùng giảm 7.9% trong tháng dịch. Lượng khách đến các trung tâm mua sắm, siêu thị, khách nhà hàng và cửa hàng kinh doanh giảm sút rất nhiều. Trong khi đó, các doanh nghiệp vẫn phải chi trả mặt bằng, nhân sự, nguyên vật liệu... nên thiệt hại lại càng trở nên nặng nề với các doanh nghiệp.
Grab, một startup gọi xe lớn nhất Đông Nam Á cũng phải chật vật trong mùa dịch Covid, buộc công ty phải cắt giảm chi phí và thực hiện một số điều chỉnh cần thiết. Nói thế để chúng ta thấy được sự ảnh hưởng của dịch Covid nặng nề đến mức nào. Hầu hết các cửa hàng cố gắng duy trì hoạt động kinh doanh thông qua việc cung cấp các chương trình khuyến mãi hấp dẫn và ưu đãi dịch vụ giao hàng tận nhà miễn phí. Tuy nhiên tình hình cũng không được khả quan cho lắm, đến nay khi chỉ thị cách ly xã hội đã được bãi bỏ thì các hoạt động kinh tế vẫn chưa thể trở lại bình thường được.
Doanh nghiệp cần làm gì để nhanh chóng “hồi phục” sau mùa dịch?
Thời gian vừa sau khi kết thúc lệnh cách ly cũng chính là thời điểm vô cùng khó khăn và nhạy cảm của rất nhiều doanh nghiệp. Nhiều công ty vẫn chưa biết nên bắt đầu lại như thế nào? Làm thế nào để vực dậy hoạt động kinh doanh trong khi nền kinh tế chung vẫn chưa thực sự hồi phục? 94now hy vọng một số định hướng sau đây có thể giúp các doanh nghiệp có thêm được ý tưởng để trở lại và tiếp tục đứng vững trên thị trường kinh doanh:
Thấu hiểu những vấn đề của khách hàng
Dịch bệnh ảnh hưởng đến kinh tế chung nên khách hàng của bạn có thể cũng bị ảnh hưởng bởi virus corona. Một trong những bí quyết kinh doanh thành công cho các doanh nghiệp chính là thấu hiểu khách hàng, vấn đề họ đang gặp phải và giải quyết các thách thức, lo lắng này. Tìm hiểu xem khách hàng của bạn đang gặp vấn đề gì sau mùa dịch và làm thế nào bạn có thể hỗ trợ khách hàng hiệu quả. Chẳng hạn, khách hàng của bạn có thể sẽ đang chịu một số ảnh hưởng liên quan như:
- Nền kinh tế khủng hoảng khiến chi phí mà họ có thể chi trả cũng hạn hẹp hơn?
- Khách hàng vẫn còn lo lắng về dịch bệnh bùng phát trở lại?
- Họ vẫn hạn chế đến chỗ đông người?
- Lo lắng về tình trạng thiếu hụt hàng hóa vì rất nhiều cửa hàng hoặc doanh nghiệp vẫn chưa mở lại?
Từ những vấn đề và "điểm đau chính" của khách hàng, chủ doanh nghiệp cần tìm ra các chiến lược kinh doanh, định vị sản phẩm và dịch vụ phù hợp. Chiến lược này cần hữu ích, giải quyết được vấn đề khách hàng đang đối mặt. Bên cạnh đó là các chiến lược tiếp thị khách hàng phù hợp để hoạt động Marketing được hiệu quả và thành công.
Định hình lại chiến lược kinh doanh
Hầu hết các doanh nghiệp bị gián đoạn về hoạt động kinh doanh cũng như hiệu quả bị giảm sút trong suốt khủng hoảng Covid-19. Mặc dù các khó khăn đang dần được tháo gỡ nhưng nhu cầu tiêu dùng và tâm lý của khách hàng đã thay đổi đáng kể sau dịch bệnh này. Chính vì vậy mà hoạt động tái cấu trúc, định hình lại các chiến lược kinh doanh là hoạt động vô cùng cần thiết và cấp bách.
- Đánh giá rủi ro tài chính, sự leo thang chi phí và tác động của chúng đối với tỷ suất lợi nhuận chung của sản phẩm và dịch vụ của doanh nghiệp.
- Đưa ra dòng sản phẩm mới phù hợp với thị trường và nhu cầu hiện tại của khách hàng tiềm năng.
- Xem xét các nhà cung ứng sản phẩm phù hợp, theo sát để kiểm soát được các đơn vị cung ứng có thể bị ảnh hưởng, từ đó đưa ra phương án sớm và nhanh nhất.
- Kết hợp với đó là chiến lược tiếp thị mới phù hợp để dễ dàng tiếp cận khách hàng và xây dựng danh tiếng thương hiệu cho doanh nghiệp.
Giữ liên lạc với các bên liên quan
Truyền thông rõ ràng, minh bạch, kịp thời và chính xác là hoạt động cần thiết để tái định hình doanh nghiệp và nhận được sự ủng hộ từ khách hàng, nhân viên, nhà cung ứng (nếu có):
- Nhân viên
Đối với nhân viên, sau cuộc khủng hoảng dài ảnh hưởng cả về vật chất lẫn tinh thần của họ, doanh nghiệp nên đưa ra các kế hoạch truyền thông giúp họ cân bằng và duy trì tinh thần làm việc như bình thường.
- Khách hàng
Điều quan trọng là doanh nghiệp cần duy trì liên lạc với khách hàng về bất cứ tác động nào đến việc cung cấp dịch vụ của doanh nghiệp. Chẳng hạn bạn không thể đáp ứng được nhu cầu cho khách hàng do sự gián đoạn từ nguồn cung ứng sản phẩm. Đồng thời, đây là thời gian bạn nên chăm sóc khách hàng của doanh nghiệp thông qua việc tìm hiểu nhu cầu của họ, giới thiệu các sản phẩm phù hợp hoặc cung cấp các chương trình giảm giá.
- Các nhà cung cấp (nếu có)
Giữ liên lạc thường xuyên với các nhà cung cấp để biết được khả năng cung cấp hàng hóa và dịch vụ của họ, từ đó xem xét và lựa chọn các chuỗi cung ứng thay thế phù hợp. Các yếu tố như kế hoạch vừa mới sau mùa dịch và khả năng phục hồi sau dịch của các nhà cung cấp này cũng cần được doanh nghiệp theo sát.
Mở rộng các kênh bán hàng mới
Sau khủng hoảng từ dịch bệnh gây ra chắc hẳn chúng ta cũng đã thấy rằng việc kinh doanh và tiếp cận khách hàng trên nhiều kênh, từ offline đến online là vô cùng cần thiết. Thực tế đã cho thấy trong mùa dịch nhiều doanh nghiệp phải chuyển đổi chủ yếu sang hình thức bán hàng online là chính để duy trì hoạt động. Nhắc đến bán hàng đa kênh chúng ta sẽ nghĩ ngay đến nhiều kênh bán hàng khác nhau như cửa hàng, website, mạng xã hội, sàn thương mại điện tử…
Với hoạt động bán hàng đa kênh, website vẫn là công cụ bán hàng đắc lực mà các doanh nghiệp không thể bỏ qua. Ngày nay khi ngày càng nhiều doanh nghiệp tích hợp omnichannel giúp bạn tối ưu quản lý hoạt động bán hàng đa kênh. Thông qua website, các đơn hàng được đặt từ các kênh khác nhau, thông tin sản phẩm được đồng bộ ngay trên website giúp doanh nghiệp có thể xử lý đơn hàng và vấn đề của khách hàng nhanh chóng nhất.
Đồng thời, hệ thống còn tiếp cận chủ động và chăm sóc khách hàng trên các trang mạng xã hội được tích hợp ngay trên website. Hệ thống sẽ thống kê và báo cáo số lượng khách hàng đã lâu chưa mua sản phẩm, đang quan tâm sản phẩm nào hoặc mức độ quan tâm, gợi ý các chương trình email marketing, sms để tiếp cận khách hàng phù hợp.
Tham khảo các gợi ý trên đây sẽ để chuẩn bị kỹ càng và có thể trở lại sau mùa dịch Covid đầy khó khăn này các bạn nhé. 94now biết sau dịch là thời gian khá khó khăn với nhiều doanh nghiệp hiện nay. Nhưng với một chiến lược kinh doanh đổi mới, biết nắm bắt tình hình và nhu cầu của khách hàng sẽ giúp bạn dễ dàng "hồi phục" và tìm được chỗ đứng vững chắc cho mình trên thị trường.